Tính trung thực của một đứa trẻ phải được dạy dỗ và mài giũa từ khi còn nhỏ. Và ba mẹ là người hướng cho trẻ ngay từ lúc còn thơ bé theo những thói quen trung thực ngay cả khi phải đối mặt những tình huống khó khăn. Bởi vậy, trẻ cần được bảo vệ để tránh xa các hành vi không đúng. Trong bài viết này mẹ Minh An chia sẻ đến ba mẹ 10 bí kíp vàng dạy con tính trung thực, cùng theo dõi nhé.
Nội dung bài viết
- 1 Ba mẹ không nói dối trẻ
- 2 Ba mẹ cần giữ lời hứa với trẻ
- 3 Dạy trẻ trung thực bằng lời khen
- 4 Nên nhắc con khen ngợi đúng người, đúng lúc
- 5 Hãy dạy trẻ nói sự thật
- 6 Không ép trẻ phải nói dối
- 7 Áp khung hình phạt
- 8 Ba mẹ hãy lắng nghe con giải thích
- 9 Có trách nhiệm với đồ vật của người khác
- 10 Hướng trẻ kết bạn với những đứa trẻ có tính trung thực khác
Ba mẹ không nói dối trẻ
Nếu bạn không muốn trẻ nói dối thì phải làm gương trước không được nói dối con. Con trẻ là hình ảnh phản chiếu của người lớn. Trẻ sẽ học theo những thói xấu của ba mẹ rất nhanh. Bởi thế, nếu trẻ nhìn thấy bạn nói dối thì trẻ sẽ hành động y như vậy. Khi đó, con sẽ nghĩ rằng việc nói dối không hề có hại gì. Và đến khi trẻ quen nói dối những điều nhỏ nhất sẽ dần nói dối những điều lớn hơn. Thế nên thành thật với con là nguyên tắc đầu tiên ba mẹ cần ghi nhớ.
Ba mẹ cần giữ lời hứa với trẻ
Ba mẹ hãy giữ lời hứa với trẻ để trẻ tin tưởng bạn. Từ đó, ba mẹ hãy dạy trẻ giữ lời hứa với người khác. Hãy dạy cho trẻ biết quý trọng lời hứa của bản thân mình với người khác. Việc hứa và giữ lời hứa của mình với người khác là hành vi của người trung thực.
Dạy trẻ trung thực bằng lời khen
Mỗi khi trẻ làm điều gì đó chưa đúng, phản ứng của nhiều bậc phụ huynh là quát mắng con. Điều này khiến trẻ nảy sinh tâm lý sợ hãi và muốn che giấy lỗi lầm. Dần dần, trẻ sẽ nghĩ cách nói dối để khi bị mắng. Ba mẹ hãy tập kiềm chế sự tức giận và dành cho con những lời khen khi con nói thật. Ba mẹ cũng có thể thưởng cho con bằng một cái ôm hay món quà nhỏ. Thái độ của ba mẹ sẽ khiến trẻ tự tin và hình thành thói quen trung thực.
Nên nhắc con khen ngợi đúng người, đúng lúc
Việc khen ngợi người khác là một cách để khiến mối quan hệ trở lên gần gũi và thân thiết hơn. Tuy nhiên, ba mẹ nên dạy con không nên khen ngợi ai đó khi họ không đáng khen. Trẻ cũng không nên nói những lời khen với những việc không đáng. Hãy nói cho trẻ biết con không cần phải khen theo kiểu đại trà như vậy. Nếu trẻ ngại lời nói thật khiến người khác mất lòng, hãy dạy trẻ cách kiểm soát lời nói. Tốt nhất, ba mẹ hãy dạy con không nên nói gì ở những trường hợp này.
Hãy dạy trẻ nói sự thật
Làm tổn thương cảm xúc của người khác là không nên, nhưng không vì thế mà che đậy sự thật. Ba mẹ hãy dạy trẻ biết tôn trọng sự thật ở mức độ cao nhất. Con không nên đồng tình với những điều dối trá, ví dụ như việc bạn trong lớp coppy bài. Con không được bao che, nói dối hay đồng lõa dù người bạn đó rất thân.
Con nên khuyên bạn mình dừng ngay hành vi không trung thực đó lại. Nếu bạn đó không chịu, con có thể báo cáo lại với giáo viên. Có thể việc đó sẽ khiến trẻ gặp rắc rối nhưng trẻ sẽ nhận được bài học cao hơn. Hành vi dối trá không được dung thứ trong xã hội này.
Không ép trẻ phải nói dối
Ba mẹ nên hạn chế đặt trẻ vào hoàn cảnh phải lựa chọn giữa nói thật và nói dối. Ví dụ, khi bạn phát hiện con làm bẩn sàn nhà, ba mẹ đừng hỏi, con đã làm đổ nó phải không? Câu hỏi của ba mẹ sẽ khiến con nghĩ đến việc tìm một câu nói dối. Bạn chỉ cần nói với con là con có trách nhiệm phải lau sạch những gì mà con làm đổ. Trẻ sẽ nhận ra, trung thực và đi giải quyết hậu quả gây ra dễ chịu hơn việc nói dối.
Áp khung hình phạt
Khi phát hiện con nói dối, ba mẹ phải nghiêm khắc dành cho trẻ một hình phạt. Điều này khiến trẻ nhận thức được rằng, mọi sự không trung thực đều phải trả giá. Ba mẹ cần tìm ra được một hình thức kỷ luật phù hợp.
Ba mẹ hãy lắng nghe con giải thích
Nhiều bậc phụ huynh vội vàng quát mắng khi phát hiện con nói dối. Đây là cách làm không khôn ngoan và thiếu tinh tế. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn lắng nghe con giải thích lý do vì sao con nói dối trước.
Từ lời giải thích đó, ba mẹ sẽ hiểu con hơn. Và trẻ cũng sẽ cởi mở hơn với ba mẹ. Khi đó hãy cho trẻ biết, lời nói dối sẽ làm tổn thương các mối quan hệ. Khi trẻ nói dối nó sẽ khiến người bị trẻ nói dối không còn tin trẻ nữa. Và hậu quả là mọi người sẽ nghi ngờ tất cả những lời trẻ nói sau này. Trẻ sẽ không tìm được một mối quan hệ chân thành nào. Đó mới là cách dạy con đúng khi ba mẹ phát hiện bé nói dối.
Có trách nhiệm với đồ vật của người khác
Ba mẹ hãy dạy cho con thói quen tôn trọng đồ chơi của người khác. Trẻ không được tự ý lấy đồ của người khác. Nếu con muốn chơi đồ chơi đó, con phải biết cách hỏi mượn bạn. Sau khi chơi xong phải có trách nhiệm trả lại. Giữ đồ chơi của người khác mà không được người đó đồng ý là một hành vi không trung thực.
Hướng trẻ kết bạn với những đứa trẻ có tính trung thực khác
Nếu bạn của con hay nói dối, vô hình con sẽ học tính nói dối này. Nhưng nếu bạn của con trung thực thì con sẽ trung thực. Vì thế, ba mẹ cần để ý đến bạn của con và hãy thử tính trung thực của chúng. Cách dễ nhất là hỏi chúng những câu hỏi mà bạn đã biết rõ câu trả lời. Từ đó, định hướng cho con những người bạn nên chơi thân hay hạn chế chơi.
Ba mẹ không nên thường xuyên buộc tội con khiến con phải nói dối để tìm lối thoát. Hãy nhẹ nhàng với con, cho con thấy sự trung thực luôn được khuyến khích và là sự lựa chọn dễ chịu hơn so với nói dối.