Chọc ối nguy hiểm như thế nào cho thai phụ?

bởi admin
choc-oi-nguy-hiem-nhu-the-nao-cho-thai-phu

Thông thường khi thai nhi ở 12 tuần tuổi sẽ được chỉ định làm xét nghiệm độ mờ da gáy. Nếu kết quả bất thường Bác sĩ sẽ chỉ định thêm cho bà bầu làm xét nghiệm chọc ối để phát hiện sớm nguy cơ dị tật thai nhi.

Chọc ối là gì ?

Chọc hút ối là phương pháp cho kết quả chính xác trong việc xác định dị dạng nhiễm sắc thể của thai nhi. Khi kết quả cho thấy dị dạng ở nhiễm sắc thể số 21 sẽ gây bệnh down, nhiễm sắc thể số 18 gây hội chứng Edwards (dị dạng tim và chi, đầu nhỏ, vận động kém), nhiễm sắc thể số 13 gây bất thường não bộ. Ngoài ra, chọc ối còn phát hiện các dị tật bẩm sinh khác như rối loạn máu, rối loạn trao đổi chất…

Xét nghiệm chọc ối cho thai phụ thường được các bác sĩ chỉ định khi thai từ 16 đến 20 tuần. Bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối kết hợp với siêu âm giám sát trong suốt thời gian thực hiện. Do đó nguy cơ kim đụng vào thai nhi hầu như không có. Bác sĩ chỉ trích ra khoảng 10 – 23cc dung dịch nước ối bằng các dụng cụ bảo đảm vệ sinh, an toàn y tế nên hầu như không để xảy ra tình trạng nhiễm trùng hay rỉ ối.

Trường hợp nào cần thực hiện chọc ối?

Không phải tất cả phụ nữ mang thai nào cũng cần làm xét nghiệm chọc ối. Chọc ối, cũng như sinh thiết gai nhau và lấy máu cuống rốn bào thai chỉ được thực hiện trên một số sản phụ có nguy cơ cao mang trong người các rối loạn di truyền nhất định. Một số đối tượng có khả năng được chỉ định thực hiện chẩn đoán tiền sản, bao gồm cả chọc ối:

– Tuổi mẹ trên 35.
– Các xét nghiệm triple test và combined test cho thấy nguy cơ cao.
– Độ mờ da gáy dày.
– Kết quả xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn (NIPT) có nguy cơ cao.
– Bố, mẹ hoặc người thân có mang một số rối loạn di truyền (ví dụ như bệnh thalassemia).
– Phụ nữ từng sinh con bị một số dị tật bẩm sinh liên quan đến di truyền.
– Phụ nữ từng sinh con có rối loạn trong bộ nhiễm sắc thể.
– Siêu âm thai phát hiện một số dị tật như: sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, bất thường cấu trúc cơ quan, dãn não thất…

Trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán tiền sản nói chung cũng như chọc ối nói riêng, thai phụ cần được tham vấn kỹ càng về những lợi ích cũng như những nguy cơ mà xét nghiệm gây ra. Vậy chọc ối có nguy cơ gì và thai phụ tiến hành chọc nước ối có sao không?

Chọc ối có an toàn không?

Cũng như các xét nghiệm xâm lấn khác, chọc ối cũng có những rủi ro nhất định. Mặt khác, chọc ối có an toàn không lại còn tùy thuộc vào cơ sở y tế, phòng chuyên khoa, bác sĩ thực hiện và yếu tố cơ địa từ người mẹ.

Trên thực tế, chọc ối có nguy cơ gây sảy thai nhưng với một tỷ lệ xảy ra ít hơn 1%, hoặc khoảng 1/200 tới 1/400. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ còn thấp hơn nếu bà bầu được thực hiện xét nghiệm bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm và cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị sản khoa. Ngoài ra, chọc ối có khả năng dẫn đến những biến chứng khác, như tổn thương tới em bé hoặc mẹ, nguy cơ nhiễm trùng và sinh non.

Sau khi thực hiện xét nghiệm, bạn cần nghỉ lại tại bệnh viện đúng thời gian bác sĩ quy định. Lúc ra về, bạn nên đi taxi hoặc nhờ người chở về. Về nhà, bạn nhớ uống thuốc theo đúng lời dặn của bác sĩ. Nếu đi làm, bạn nên xin nghỉ phép 2-3 ngày để nghỉ ngơi, theo dõi thai. Sau 3 ngày không có hiện tượng gì là an toàn.

Quá trình thực hiện thủ thuật có đau không? Thai phụ nhận được kết quả trong bao lâu?

Khi thực hiện thủ thuật, thai phụ chỉ có cảm giác đau như khi lấy máu làm xét nghiệm. Sau khi lấy mẫu nước ối, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thông tin ADN và các dị tật. Thai phụ có thể biết kết quả sau khoảng một tuần.

Địa chỉ cho bạn: Bạn có thể làm xét nghiệm chọc dò ối tại:

* Hà Nội: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Đê La Thành. Q. Ba Đình; Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 43 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm.
* TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, 284 Cống Quỳnh, Q.1; Bệnh viện Hùng Vương, 128 Hồng Bàng, P.12, Q.5.

Tổng hợp.

Bài viết liên quan

Leave a Comment